Nguồn gốc ra đời
Phái đoàn Trung Quốc tại WIPO (World Intellectual Property Organization - Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới) đã đưa ra đề xuất thông qua “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới” vào ngày 09/8/1999. Vào tháng 10/1999, Hội đồng WIPO - một trong những cơ quan có chuyên môn của Liên Hợp Quốc tuyên bố lấy ngày 26/4 hàng năm làm “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới”
Thông điệp của WIPO trong ba năm gần đây:
- Năm 2021: Sở hữu trí tuệ & Doanh nghiệp nhỏ và vừa - Mang ý tưởng của bạn đến với thị trường.
- Năm 2022: Sở hữu trí tuệ và Thế hệ trẻ đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn.
- Năm 2023: Phụ nữ và quyền sở hữu trí tuệ
Ý nghĩa ngày sở hữu trí tuệ thế giới
Ý nghĩa của ngày sở hữu trí tuệ thế giới là để nâng cao nhận thức về sự ảnh hưởng của bằng sáng chế, thương hiệu, quyền tác giả đến cuộc sống thường ngày cũng như đây là dịp để biểu dương, khen ngợi các cá nhân có đóng góp to lớn vào sự phát triển đất nước trên toàn cầu.
Như hiện nay, trong bối cảnh đại dịch COVID - 19 toàn cầu, thông điệp của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới ý nghĩa hơn bao giờ hết. Đó là khẳng định vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khuyến khích đổi mới sự sáng tạo, phục hồi kinh tế, tạo ra cơ hội việc làm trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu bởi đại dịch Covid-19.
Với quyền sở hữu trí tuệ, một ý tưởng "lóe" lên trong đầu bạn vẫn có cơ hội thành một ý tưởng kinh doanh, góp phần tạo ra những giá trị tích cực, phát triển cộng đồng nơi bạn sinh sống.
Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam
Tại nước ta cơ quản quản lý trí tuệ thuộc Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, tiền thân là Hội Sở hữu Công nghiệp Việt Nam. Tổ chức được thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) số 08/2000/QĐ-BTCCBCP ngày 02/2/2000.
Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam thành lập với mục đích là tập hợp mọi Hội viên, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, cùng đoàn kết và hỗ trợ nhau trong những hoạt động sở hữu trí tuệ, cống hiến tích cực vào xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam.
Định hướng phát triển của Sở hữu trí tuệ Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 1068/QĐ- TTg ngày 22/8/2019 của thủ tướng Chính phủ, mục tiêu cụ thể như sau:
"1. Đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.
2. Việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, công bằng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
3. Hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giảm đáng kể.
4. Tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII):
a) Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm;
b) Số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 6 - 8%/năm;
c) Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 8 - 10%/năm;
d) Số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 - 14%/năm, 10 - 12% trong số đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài; đưa Việt Nam trở thành trung tâm bảo hộ giống cây trồng với việc hình thành cơ quan bảo hộ giống cây trồng khu vực ASEAN+.
5. Hiệu quả sử dụng quyền sở hữu trí tuệ được nâng cao và gia tăng đáng kể số lượng sản phẩm có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao:
a) Hoạt động khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ được chú trọng, đẩy mạnh; tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8 - 10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; có ít nhất 1 - 2 giống cây trồng được khai thác quyền ở nước ngoài; số lượng doanh nghiệp sử dụng hiệu quả công cụ sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng đáng kể;
b) Phát triển được một số ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên và có lợi thế cạnh tranh, gia tăng đáng kể đóng góp của các ngành này vào tăng trưởng GDP;
c) Chỉ dẫn địa lý, nguồn gen, tri thức truyền thống, bí quyết kỹ thuật, văn hóa dân gian được bảo hộ và khai thác hiệu quả trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh;
d) Phát triển được các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả và quyền liên quan nhằm tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm sáng tạo đa dạng, chất lượng cao; phấn đấu đến năm 2030 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả, quyền liên quan đóng góp khoảng 7% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội."
Một số hoạt động tổ chức kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới ở Việt Nam:
- Tổ chức cuộc thi viết bài luận, báo cáo về Sở hữu trí tuệ.
- Tôn vinh những thành tựu nổi bật của một doanh nghiệp, tác giả, nhà sáng chế, nghệ sĩ sáng tạo...
- Tổ chức các buổi hội thảo nhằm tuyên truyền, khuyến khích giới trẻ sáng tạo trong công việc và xã hội…
Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2023: Phụ nữ và quyền sở hữu trí tuệ
Nhằm tôn vinh các nhà phát minh, nhà sáng tạo và doanh nhân nữ trên khắp thế giới cũng như thành quả đột phá của họ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chọn chủ đề năm 2023 là “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ: Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo”
Ngày "Sở hữu trí tuệ thế giới" được tổ chức hàng năm vào ngày 26/4 nhằm mục đích "nâng cao nhận thức về cách mà bằng sáng chế, quyền tác giả, thương hiệu và thiết kế tác động đến cuộc sống hàng ngày" và "để biểu dương tính sáng tạo, sự đóng góp của những người sáng tạo và những người đổi mới vào việc phát triển xã hội trên toàn cầu".
Năm nay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã công bố chủ đề ngày Sở hữu trí tuệ thế giới: "Phụ nữ với sở hữu trí tuệ: Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo" là dịp để tôn vinh tất cả những người phụ nữ tài năng trên toàn thế giới. Hãy hướng tới bình đẳng giới trong hoạt động sở hữu trí tuệ và giải phóng sự khéo léo và sáng tạo của phụ nữ và trẻ em gái ở khắp mọi nơi. Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một ngày mai tốt đẹp hơn.
Phụ nữ mang đến những quan điểm và tài năng mới. Nhưng có một vấn đề! Quá ít phụ nữ tham gia vào hệ thống sở hữu trí tuệ. Điều đó có nghĩa là có quá ít phụ nữ được hưởng lợi từ sở hữu trí tuệ.
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cho rằng mọi người, ở khắp mọi nơi, đều có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ công nghệ, thương hiệu và sự sáng tạo của mình. Phụ nữ chiếm gần một nửa dân số toàn cầu, đây là nguồn tài năng to lớn.
Trải qua nhiều thế hệ, phụ nữ đã định hình thế giới của chúng ta bằng sự khéo léo và sáng tạo của mình ở khắp mọi nơi. Phụ nữ đang thúc đẩy các đột phá khoa học, thiết lập xu hướng sáng tạo mới, tạo dựng doanh nghiệp và làm biến đổi thế giới.....
Vì vậy, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới khuyến khích nhiều phụ nữ sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ để bảo vệ và gia tăng giá trị cho công việc của chính mình. Bằng cách đó chúng ta có thể: Phát triển các công nghệ ngày càng nhiều hơn và tốt hơn phục vụ con người; tạo ra nhiều hơn các doanh nghiệp thành đạt do phụ nữ lãnh đạo; hỗ trợ phục hồi kinh tế và phát triển trở lại tốt hơn.