Đa dạng hoạt động góp phần lan tỏa văn hóa đọc
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ với nhiều phương tiện nghe nhìn cùng các trang mạng xã hội đã lấy đi không ít thời gian của mỗi người, phần nào làm phai nhạt thói quen đọc sách. Làm sao để khơi dậy tình yêu đối với sách và lan tỏa văn hóa đọc, nhất là đối với những người trẻ khi đứng trước kỷ nguyên số - chính là “bài toán” được đặt ra trong các cơ sở giáo dục hiện nay.
Tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (UNETI), phong trào phát triển văn hóa đọc luôn được quan tâm, đẩy mạnh. Trung tâm Thư viện của nhà trường không chỉ được chú trọng đầu tư, nâng cấp với quy mô hiện đại, thông minh nhằm mang đến nhiều tiện ích cho người đọc, thu hút sinh viên tham gia trải nghiệm, mà còn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy lan tỏa văn hóa đọc.
Nhờ vậy, Trung tâm Thư viện UNETI không chỉ phát triển phong trào trong chính nhà trường, mà còn tích cực góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà - Giám đốc Trung tâm Thư viện (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) chia sẻ: “Hoạt động lan tỏa văn hóa đọc có ý nghĩa rất quan trọng và đặc biệt đang ngày càng trở nên khó khăn hơn, khi ở nước ta hiện nay, theo thống kê, mỗi năm, trung bình mỗi người chỉ đọc được 4 cuốn sách.
Thật may mắn khi nhà trường có một Câu lạc bộ Sách UNETI (trực thuộc Trung tâm Thư viện điều hành), nên việc lan tỏa văn hóa đọc trong sinh viên nhà trường và cả trong cộng đồng được các em sinh viên rất tích cực tham gia, đón nhận. Đây là động lực để tôi thêm yêu nghề và cống hiến.
Nói về văn hóa đọc, tôi cho rằng, trước tiên phải là niềm đam mê của mỗi cá nhân, thêm vào đó là cách truyền cảm hứng trong cộng đồng - và thư viện là một trong những nơi cần tạo nên hứng cảm này cho bạn đọc”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà - Giám đốc Trung tâm Thư viện (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp). Ảnh: Mộc Hương.
Giám đốc Trung tâm Thư viện UNETI cũng bày tỏ: “Trong suốt hành trình 4 năm qua, chúng tôi đã từng bước phát triển và lan tỏa văn hóa đọc rất hiệu quả. Từ việc có cộng tác viên là sinh viên đến thành lập Câu lạc bộ Sách UNETI, để từ đó thắp lên tình yêu với sách, với thư viện trong nhóm nhỏ và đến thời điểm này, chúng tôi có tới trên 200 thành viên trong câu lạc bộ...
Đặc biệt, một môi trường để các em sinh viên say sưa học tập, nghiên cứu, sáng tạo, lan tỏa tình yêu sách không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc đọc những cuốn sách với nhau, mà thông qua các hoạt động đầy bổ ích, ý nghĩa như: xếp sách nghệ thuật, đan hoa, làm đồ handmade, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu và thuyết trình về sách hay, thi ảnh về sách, sân khấu hóa các cuốn sách nổi tiếng để lan tỏa trong sinh viên và cộng đồng...”.
“Ở góc nhìn thực tế của tôi, nếu các thư viện lập được các câu lạc bộ sách, sẽ góp phần không nhỏ trong việc lan tỏa văn hóa đọc cho xã hội” - Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Câu lạc bộ Sách UNETI hằng tuần tổ chức sinh hoạt, hằng tháng tổ chức hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh đó, câu lạc bộ cũng tổ chức nhiều hoạt động lan tỏa văn hóa đọc như cuộc thi Thanh niên với văn hóa đọc, cuộc thi Sắc màu qua trang sách, quyên góp sách. Bên cạnh đó, thư viện cũng tham gia cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức hằng năm.
Sinh viên UNETI đạt giải thưởng Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc: Năm 2021, giành 1 Giải Ba và 1 giải khuyến khích; năm 2022, giành 1 Giải Nhì và 3 Giải Khuyến khích.
Hằng năm, Câu lạc bộ Sách UNETI cũng phối hợp với Thư viện tổ chức thực hiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Cơ hội mở mang kiến thức và tạo ra không gian trao đổi, phát triển
Mới đây, ngày 07/4, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp tổ chức chương trình “Thắp lửa tri thức cùng UNETI” tại Tuyên Quang, chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.
Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình, Câu lạc bộ Sách UNETI đã trao tặng đến học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Tuyên Quang những cuốn sách đã quyên góp và bổ sung từ các hoạt động trước đó.
Chính các thành viên trong câu lạc bộ đã tự tay làm và bán những sản phẩm handmade để ủng hộ chương trình với mong muốn được góp một phần bé nhỏ để cùng lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Đồng thời, nhằm góp phần lan tỏa văn hóa đọc, Câu lạc bộ Sách UNETI đã lựa chọn hình thức sân khấu hóa giới thiệu cuốn sách “Nỗi buồn chiến tranh” (tác giả Bảo Ninh), mang đến trải nghiệm mới mẻ, sinh động và để lại ấn tượng khó phai, cùng cảm xúc lắng đọng trong lòng mỗi khán giả.
Chị Mai Thanh Huyền - nhân viên Thư viện UNETI chia sẻ: “Các hoạt động của thư viện được tạo ra nhằm mục đích chính là khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Khi thư viện được tham gia trực tiếp vào các hoạt động của thư viện cũng như Câu lạc bộ Sách UNETI, giúp mở ra các cơ hội để có thể lan tỏa văn hóa đọc một cách tích cực.
Đồng thời, thư viện tổ chức các buổi trưng bày mô hình sách nghệ thuật giúp khơi dậy sự sáng tạo, quan tâm và đam mê với văn hóa đọc.
Việc phát động cuộc thi hoặc tự tổ chức các hoạt động về đọc sách, thuyết trình và chia sẻ về các tác phẩm văn học, chia sẻ câu chuyện của chính bản thân từ những cuốn sách hay giới thiệu các câu chuyện về các tác giả nổi tiếng... không chỉ giúp mở mang kiến thức của bạn đọc, mà còn tạo ra cơ hội gặp gỡ để có thể phát triển một không gian thú vị, thoải mái giữa các bạn đọc, trao đổi, chia sẻ sở thích về sách cũng như việc đọc sách”.
“Không chỉ vậy, những hoạt động này còn giúp các thành viên trong câu lạc bộ có thêm nhiều kỹ năng mềm như giúp rèn luyện tư duy phản biện, cách thuyết trình trước đám đông và tạo thêm sự tự tin.
Tham gia trực tiếp vào các hoạt động của Câu lạc bộ Sách UNETI, Trung tâm Thư viện Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp có thể phát triển, lan tỏa văn hóa đọc một cách tích cực trong cộng đồng của mình, giúp mọi người đề cao giá trị, ý nghĩa của việc đọc sách và coi việc đọc sách là “thuốc bổ tinh thần” không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày” - chị Mai Thanh Huyền lý giải.
Sinh viên Nguyễn Thùy Dương - lớp DHKT15A1HN tâm sự: “Đối với em, thư viện không chỉ là nơi để mượn sách mà còn là trung tâm sáng tạo và giao lưu văn hóa. Tham gia vào Câu lạc bộ Sách UNETI là một trải nghiệm tuyệt vời, bởi, em không chỉ có cơ hội đọc sách mà còn được giao lưu, thảo luận, chia sẻ quan điểm.
Khi được tham gia trực tiếp vào các sự kiện, chương trình của thư viện, em thấy như mình đang bước vào một thế giới mới, nơi mà kiến thức và ý tưởng được chia sẻ một cách tự do, sôi động.
Được tham gia biểu diễn một vở kịch hay đi quyên góp sách là những trải nghiệm đầy cảm xúc, ý nghĩa, vô cùng đáng nhớ đối với em. Khi cùng câu lạc bộ và thư viện góp phần lan tỏa văn hóa đọc, em cảm nhận được một sự kết hợp của sự hứng khởi, niềm tự hào, hạnh phúc”.
Cho rằng Trung tâm Thư viện cùng các hoạt động của Câu lạc bộ Sách sẽ trở thành “cầu nối” thật gần gũi và hiệu quả trong việc góp phần lan tỏa văn hóa đọc, nữ sinh Vũ Thị Hải Thanh - lớp DHNN15A5HN cũng tự hào chia sẻ: “Khi tham gia các hoạt động của thư viện và được hỗ trợ thầy cô, em thấy rất vui vì mình có thể góp phần nào vào việc lan tỏa văn hóa đọc.
Điều đó rất có ý nghĩa, bản thân em cũng mong muốn có thể truyền cảm hứng đọc sách đến cộng đồng. “Đọc chính là cách học hỏi, tiếp thu kiến thức chủ động. Khi bạn chủ động, bạn sẽ nhận được may mắn và cơ hội hơn so với người khác”. Mỗi ngày, chúng ta cần phải học tập, trau dồi tri thức.
Vì vậy, hãy trở thành một phiên bản tốt hơn bạn của ngày hôm qua. Chúng ta còn trẻ, còn nhiều cơ hội để có thể học tập, giúp ích cho xã hội và cộng đồng. Chúng ta có thể cùng tham gia Câu lạc bộ Sách để đồng hành với nhau trên con đường phát triển bản thân và lan tỏa được văn hóa đọc đến những người xung quanh”.